Tái chế là việc sử dụng rác thải, vật liệu thải làm nguyên liệu sản xuất ra các vật chất, các sản phẩm mới có ích, nhằm giảm việc tiêu thụ những vật liệu thô mới, giảm sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm không khí (do đốt rác) và ô nhiễm nước (do chôn lấp).
Các vật liệu có thể tái chế bao gồm: thủy tinh, giấy, kim loại, chất dẻo, đồ dệt may, đồ điện tử …
Có nhiều cách để tái chế như:
Tìm các tác dụng khác cho vật liệu.
Đun nóng chảy chai nhựa để làm thành vật khác.
Sử dụng tiếp đồ cũ nếu còn dùng được.
10 lợi ích lớn của tái chế dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tái chế đối với môi trường cũng như nền kinh tế:
1. Tái chế giúp giảm bớt việc phá hoại tài nguyên
Chỉ một ví dụ: việc thu nhặt được 135 tấn đồ có thể tái chế giúp tiết kiệm tương đương 3,5 triệu lít nước, 1,9 triệu cây xanh, 500.000 ki lô oát giờ điện, giảm 3 tấn chất làm ô nhiễm không khí và 1.300 m3 đất để chôn lấp rác. Ngoài ra giảm chặt phá rừng cũng giúp bảo vệ các loài động vật hoang dã.
2. Tái chế giúp giảm ô nhiễm
Giảm thiểu việc hủy hoại môi trường do khai thác kim loại, dầu mỏ và cây lấy gỗ. Tất nhiên khi sản xuất sẽ luôn gây ra một mức độ ô nhiễm nhất định kể cả khi tái chế, nhưng sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể việc ô nhiễm so với việc sử dụng vật liệu mới.
Vật liệu tái chế – Mức độ giảm ô nhiễm không khí – Mức độ giảm ô nhiễm nguồn nước
Giấy trắng – 74% – 35%
Vỏ hộp thiếc – 95% – 97%
Tái chế và tái sản xuất hiệu quả hơn 194 lần trong việc giảm phát thải khí nhà kính so với việc chôn lấp rác thải và sử dụng nguyên liệu mới.
3. Tái chế giúp tiết kiệm năng lượng
Chỉ cần tái chế được 30% chất thải rắn mỗi năm đã có thể tiết kiệm được gần 45 tỉ lít dầu và giảm được lượng khí nhà kính tương đương với việc giảm bớt 25 triệu ô tô lưu hành trên đường.
Với mỗi triệu tấn vật liệu liệt kê dưới đây được tái chế thay vì chôn lấp, chúng ta tiết kiệm được:
Nhôm: 5 tỉ lít dầu
Kính: gần 7 tỉ lít dầu
Giấy báo: 438 triệu lít dầu
Giấy văn phòng: 264 triệu lít dầu
Giấy sinh hoạt các loại: 601.5 triệu lít dầu
Nhựa PET: gần 1.4 tỉ lít dầu
Nhựa HDPE: 1.3 tỉ lít dầu
4. Tái chế giúp tiết kiệm tiền
Suy nghĩ cho rằng chi phí tái chế cao hơn chi phí hủy là không đúng. Bán những vật liệu có thể tái chế sẽ bù đắp được chi phí phụ trội cho việc thu nhặt và chế biến chất thải có thể tái chế, làm cho việc tái chế thành lựa chọn rẻ hơn cho cộng đồng.
Đồng thời, tất cả lợi ích về môi trường và y tế công cộng nhờ tái chế như giảm ô nhiễm và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do môi trường sống lành mạnh hơn có cũng mang lại những giá trị kinh tế.
5. Chôn lấp và đốt rác là các phương pháp thất bại về mặt kinh tế.
Nước chảy ra từ rác thải chôn lấp ngấm xuống làm ô nhiễm đất và mạch nước ngầm. Nếu xử lý triệt để vấn đề ngăn chặn ngấm này thì chắc chắn rất tốn kém. Còn các lò đốt rác thì đòi hỏi một khoản đầu tư rất lớn để xây dựng và được cung cấp đủ lượng rác để vận hành. Điều này giống như một sự khích lệ phải có nhiều rác thải hơn thay vì khích lệ phải tái chế. Hơn nữa, nếu là rác thải hỗn hợp không được phân loại thì giá trị nhiệt tạo ra không đáng kể.
6. Chôn lấp và đốt rác là nguồn gây ô nhiễm chính.
Các bãi chôn lấp rác tạo ra nhiều khí mê-tan nhất trong số các hoạt động tạo loại khí này do con người gây ra. Các bãi chôn lấp cũng tạo ra rất nhiều khí độc hại làm ô nhiểm không khí bao gồm cả các loại gây ung thư. Khí của bãi chôn lấp cũng gây ô nhiễm khu vực xung quanh và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cư dân cũng như môi trường các khu vực lân cận. Chôn lấp gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và một khi nước ngầm đã bị nhiễm bẩn thì gần như không thể làm sạch.
Đốt rác tạo ra dioxin, loại chất độc nhất mà con người từng biết. Đốt rác cũng sinh ra thủy ngân, một chất độc mạnh đối với thần kinh cũng như các kim loại nặng độc hại cho sức khỏe gồm chì, cadmium, arsenic và chromium. Tro bay ra từ đốt rác cũng chứa các chất gây ô nhiễm nguy hiểm. Tro này rồi lại phải đem ra bãi chuyên chôn lấp loại rác thải nguy hiểm.
7. Tái chế giúp tạo thêm việc làm
Bảng thống kê sau đây tự nó đã nói rõ. Công nghiệp tái chế cần nhiều nhân lực hơn cả ngành chế tạo ô tô.
Cách xử lý – Số lượng việc làm được tạo ra (từ 10.000 tấn/năm)
Chôn lấp – 1
Quá trình tái chế – 10
Sản xuất trên cơ sở tái chế – 25
8. Hệ thống sử dụng một chiều hiện nay không bền vững.
Diện tích đất trồng trọt quả thật là hạn chế trên một hành tinh mà 70% diện tích bề mặt là nước. Ước tính chúng ta đang sử dụng 123% nguồn tài nguyên bao gồm đất đai, khoáng vật, 23% quá sức của trái đất. Có nghĩa là chúng ta đang gây phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ tương lai.
9. Hệ thống một chiều hiện nay không hợp lý
Dân số ngày một tăng mà nguồn tài nguyên thì ngày một cạn kiệt, từ các kim loại quý cho tới nước sạch. Giá cả các kim loại tăng tới mức ở một số nước đã gia tăng nạn trộm cắp nắp cống, dây điện và ống đồng … Bạo lực và xung đột về quyền khai thác khoáng chất, dầu mỏ và nước sạch đang phát triển ở nhiều quốc gia.
10. Tái chế không phải là câu trả lời duy nhất
Chỉ sử dụng biện pháp tái chế sẽ không chấm dứt nạn hủy hoại tài nguyên nhưng là một bước quan trọng trên hành trình tiến tới một thế giới Không Phát thải và Không Xả thải.
Không Phát thải từ giao thông, năng lượng. Sử dụng các phương tiện giao thông thay thế thân thiện với môi trường, năng lượng có thể tái tạo, phong phú và không gây ô nhiễm như gió và mặt trời.
Không Xả thải: phải thiết kế lại các hệ thống sản xuất và tiêu dùng để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm lượng rác thải và sử dụng tất cả những vật liệu thừa trong quy trình sản xuất thay vì vứt bỏ như rác thải.
Kết hợp Không Phát thải và Không Xả thải chính là giải pháp.
Mỗi một quyết định mà từng cá nhân chúng ta đưa ra, từ việc mua sản phẩm, sử dụng nguồn năng lượng hay phương tiện giao thông nào, kể cả những người mà chúng ta bỏ phiếu bầu, đều là quyết định hoặc ủng hộ hoặc chống lại một tương lai bền vững.
Bạn chọn tương lai nào?